1. Nguồn gốc tên Lai Vung
Chợ Lai Vung nằm trong thôn Tân Lộc. Theo Địa bạ tỉnh An Giang (ĐBAG), thôn Tân Lộc cùng với thôn Long Hậu thuộc xứ Vu lai, thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, có địa giới tứ cận như sau:
- Đông giáp thôn Tân Phong (tổng An Trường huyện Vĩnh An)
- Tây giáp thôn Định An
- Nam giáp sông Cái
- Bắc giáp thôn Long Hậu
Diện tích thực canh: 4336. 3 mẩu ta , gồm 480 sở.
Sơn điền: 3632 mẩu
Thổ canh 713 mẩu, trong đó có tới 576, 5 mẩu trồng cau, trong khi tòan huỵên chỉ có 612, 2 mẩu ( ĐBAG, tr 221-234).
Theo Monographie de la province de Sadec,1903, Sa Đéc có tới 2.848 hecta trồng cau, trong khi dừa chỉ chiếm 730,50 hecta. Cau trồng tập trung ở làng Tân Lộc.
Điều đó cho thấy Tân Lộc là nơi trồng cau nhiều nhứt trong vùng và chợ Lai Vung là nơi tập trung cau trong vùng bán đi nơi khác. Người ta ăn trầu với cau tươi hoặc cau khô. Cau tươi không giữ lâu được, để bán đi xa, cau phải được sơ chế bằng cách xắt mỏng, luộc rồi phơi khô. Dân trồng chuyên nghiệp ở Nam kỳ ngày trước thường chia cau ra nhiều lọại tuỳ theo đặc điểm của cây hoặc trái cau:
- Cau đầu ruồi: trái cau mới nhú ra (hoa cau)
- Cau đậu: cau khô dính hạt
- Cau điếc: cau không có hạt
- Cau đóng vóc: trái cau gần đặc ruột
- Cau hoa: cau còn non trái nhỏ
- Cau hoa tai: miếng cau khô nhỏ mà cong queo
- Cau lại buồng: buồng cau có một vài quả quặt quẹo (cau đèo, cau điếc)
Trầu không cắt ngọn têm chuông,
Cau hoa lại buồng chẳng lấy được nhau
- Cau liên phòng hay truyền bẹ (luôn bẹ): thứ cau có trái bốn mùa, cứ mỗi bẹ có một buồng.
- Cau lòng tôm: cau rỗng r uột mà đỏ
- Cau lừng: cây cau già cỗi, ít cho trái
- Cau ớt: thứ cau nhỏ trái
- Cau tiên đầm: cau non ruột xốp có nước
- Cau tum: thứ cau khô miếng nhỏ [9]
- Cau Xiêm: thứ cau lớn cây lớn trái.
- Cau rừng: thứ cau nhỏ cây, nhỏ trái.
- Cau dầy: trái cau chắc ruột
- Cau già: trái cau đã cứng ruột
- Cau mình: cau khô có xác có ruột
- Cau xác: cau dùng xác, không có hột
- Cau tầm vun: để cau chín khô nguyên buồng trên cây mới hái xuống [10] .
Ngoài dùng để ăn trầu, cau còn là chất phụ gia quan trọng trong nghề nhuộm. Để trái cau chín khô trên cây, nước chát của nó mới đủ độ cầm màu. Sau khi hái xuống, tách lấy hột. Nếu chưa đủ khô phải phơi tiếp, mới thành phẩm. Hột cau tầm vun rất cứng, dùng búa đập mới bể. Trong chiến tranh Tây Sơn-Nguyễn Ánh trên đất Nam kỳ (1776-1789), Nguyễn Ánh lập căn cứ ở Nước Xoáy (Long Hưng), khi bị quân Tây Sơn bao vây, đã chế ra khẩu đại bác bằng gỗ [11] dùng hột cau khô loại này đánh đuổi được quân Tây Sơn.
Tân Lộc là nơi trồng nhiều cau, có chợ bán cau, nổi tiếng với loại cau để chín khô trên cây. Ngừơi Khmer bản địa gọi loại cau khô rủ trên cây là Sla tamvun, nên vùng này được họ gọi là Srôk Sla tamvun hoặc Phsar Cla Tamvun. Người Việt phát âm thành xóm /Xla Tam Vung/ hoặc còn có một cách gọi khác, chợ /Xla Tầm Vung/.
Qua năm tháng dưới sự tác động của khuynh hướng thịnh âm và giản lược của ngôn ngữ: /Xla Tầm Vung/ lược bớt âm /Tầm/ biến thành Xla Vung, rồi Việt hoá, bỏ âm /X/ của /Xla/ và nói trại đi thành /Lai/; để cuối cùng trở thành Lai Vung cho dễ nói.
Như vậy, tên gọi Lai Vung là một địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ Khmer, được Việt hoá dưới dạng phiên âm toàn phần, tự nó không có nghĩa gì cả. Để ghi vào giấy tờ, văn bản, các cụ ta mượn âm (Nôm, hoặc Hán) của chữ 來 để ghi âm tiếng /Lai/ và ghép bộ thổ 土 vào chữ bông 葻 (chữ Nôm) thành [土葻] để ghi âm tiếng /Vung/. Chữ /bông/ Nôm 葻 có tự dạng na ná như chữ /lam/ Hán 嵐, nếu không chú ý dễ lầm lẫn; do đó có người phiên âm Lai Vung thành Lai Lam. Ở đây các cụ ta mượn chữ /bông/, để sử dụng âm /ông # ong/ ghi âm cho /ung/ của /Vung / trong Lai Vung, vì trong một số trường hợp của tiếng nói Việt ta, các nguyên âm o,ô,u có thể thay thế nhau, như: bung ra = bong ra, thung dung = thong dong, bệnh phung cùi = bệnh phong...
Trước đây cũng có một số giả thuyết giải thích về nguồn gốc tên gọi Lai Vung, cho rằng địa danh Lai Vung, bắt nguồn từ tiếng Khmer, như:
- Prey thum: có nghĩa là rừng lớn;
- Tonplé thum: có nghĩa là sông lớn;
- Prek thum: có nghĩa là rạch lớn;
- Sla kpong: Bến Cau.
Ba giả thuyết trên không có cơ sở lịch sử; còn giả thuyết thứ tư không phù hợp với cấu trúc ngôn ngữ Khmer, vì Bến Cau tiếng Khmer phải nói là Kompong Sla. Do đó, cả bốn giả thuyết đều khiến cho người nghe khó chấp nhận.
2. Ý nghĩa địa danh Lai Vung
Tên gọi Lai Vung ra đời trong buổi đầu khai hoang mở cõi bên bờ sông Hậu, ghi đậm dấu ấn lịch sử trong diễn trình xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới với thành quả đầy sáng tạo trong nông nghiệp: đào mương lên liếp lập vườn trồng cau. Một trong hai hoạt động kinh tế chính của Nam kỳ lúc bấy giờ.
“Gia Định nhứt thóc nhì cau ” , nhưng đến nay cả Nam kỳ có mấy nơi dùng cái tên sản phẩm nông nghiệp làm tên gọi cho quê hương mình! Cái tên Srôk Sla tamvun, xứ Cao Tầm Vung, xóm Lai Vung, chợ Lai Vung đã đi vào lòng đất, tình người từ bao đời qua. Trong diễn trình hành chánh qua nhiều chế độ chánh trị, từ thời quân chủ, qua thời thuộc Pháp, đến thời hòa bình độc lập dân chủ hiện nay, dù hai chữ /Lai Vung/ khi hiện diện trên văn bản, khi biến mất; nhưng trong lòng người Lai Vung, người đồng bằng sông Cửu Long nó vẫn bàng bạc trong lời ăn tiếng nói, trong giao tiếp hàng ngày…
Tuy chợ ngày xưa không còn mang tên Lai Vung, nhưng huyện Lai Vung đang trên đà phát triển, thị trấn Lai Vung tọa lạc ở xã Hoà Long (dân gian gọi là chợ Lai Vung mới) với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng; người, xe khắp nơi, đến đi tấp nập, đặc sản mang tên Lai Vung (nem, quýt hồng...) theo đó đến mọi miền đất nước. Chợ Lai Vung xưa, nay được gọi là Tân Thành (theo tên xã mới, do ghép hai làng Tân Lộc và Phụ Thành), từ năm 2009, được xây cất lại khang trang bên bờ sông Lai Vung, ngày đêm vẫn âm thầm mang phù sa tưới ruộng đồng toàn huyện như thở nào.
Nếu huyện Lai Vung có làm biểu tượng, huy hiệu cho huyện, thiết nghĩ chắc không có hình ảnh nào đắc ý hơn Cây Cau.