Ở Nam bộ, Đồng Tháp Mười do điều kiện địa hình tự nhiên và khí hậu thủy văn đặc biệt, nên có nhiều địa danh lạ, như Sình Dứt, Sình Dồ, Sình Heo Chạy, Dứt Gò Suông, Dứt Muống, Láng Biển, Láng Tượng, Lung Bông, Bưng Sấu Hì, Bưng Sấm…và một số địa danh khởi đầu bằng từ tố “Tràm”, như: Tràm Chim, Tràm Dơi, Tràm Sình, Tràm Cù lao Dung, Bàu Tràm Láng, Tràm Thầy Ba Vỹ…
Ngày nay, Tràm Chim vừa là tên gọi của một thị trấn, trung tâm huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp và là tên của một vườn quốc gia. Theo giải thích của nhân dân địa phương, Tràm Chim là nơi đất trũng thấp, nước ngập lưu niên, là điều kiện sinh trưởng tốt cho nhiều loài thực vật, trong đó có cây tràm và đó là môi trường sinh thái phù hợp cho các loài chim chóc đến sinh trú.
Đến nay, chưa rõ tên gọi Tràm Chim xuất hiện vào lúc nào. Chỉ biết từ sau năm 1945 tên gọi này thường được biết đến bên cạnh địa danh Đồng Tháp Mười nổi tiếng, khi nhân dân Nam bộ bắt đầu cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp (1945-1954). Sau năm 1954, chánh quyền Ngô Đình Diệm chủ trương thành lập giáo khu Hòa Bình, đào kinh An Long-Gãy Cờ Đen, lập khu trù mật tại Tràm Chim, chuẩn bị cho việc thành lập quận Đồng Tiến mà trung tâm là Tràm Chim. Năm 1957, linh mục Gia-cô-bê Tô Đức Bạch được phái vào Đồng Tháp Mười chọn nơi đưa giáo dân đạo Thiên chúa miền Bắc di cư và giáo dân ở Cù lao Tây vào lập giáo xứ mới. Giáo xứ lập tại Tràm Chim, dựng nhà thờ mang tên Thiên Phước vào ngày 5-5-1961. Nhưng lúc bấy giờ ít người gọi là họ đạo Thiên Phước mà chỉ gọi là họ đạo Tràm Chim [1] .
Ảnh: Giáo xứ Thiên Phước ngày đầu thành lập tại Tràm Chim năm 1961, người mặc áo trắng to lớn là LM.Bạch (Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng)
Điều đó cho thấy tên gọi Tràm Chim có từ lâu, ít nhứt là từ trước 1945, chớ không phải như An Chi cho rằng: “…đến cách đây trên 20 năm, khi đất nước mở cửa, du lịch phát triển, công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái càng ngày càng được chú trọng, internet càng ngày càng phổ biến, v.v., thì “trầm chim” lại đổi đời một lần nữa…” [2] tức là tên gọi Tràm Chim mới thành cách đây trên 20 năm, từ địa danh “Trầm Chim” có trước đó, theo biểu thức:
Chằm Chim → Trầm Chim → Tràm Chim,
Biểu thức trên có hai điểm đáng lưu ý, một là người Việt Nam bộ thường phát âm /tr/ thành /ch / chớ không ngược lại; hai là phương ngữ Nam bộ không có từ tố chằm để chỉ vùng ngập nước hoang hóa đầy lau sậy.
Trong Gia Định thành thông chí (GĐTTC), Trịnh Hoài Đức dùng từ trạch 澤, có nghĩa là cái ao (chỗ trũng ngập nước) để chỉ vùng Đồng Tháp Mười và được Tu trai Nguyễn Tạo dịch ra là chằm ao [3] . Còn trong Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt (ĐNNTC) để chỉ vùng này, thì viết là mãng trạch (莽 澤) [4] hoặc Pha Trạch (陂 澤) [5] và cũng được Nguyễn Tạo dịch là chằm Mãng Trạch. Do không có thực tế để nắm bắt từ ngữ địa phương, nên dịch giả mượn từ chằm (chữ nôm miền Bắc) như chằm Dạ Trạch, Chằm Nhạn, để dịch từ trạch. Như vậy, địa danh mang từ tố chằm ở Nam bộ chỉ có trên sách vở, chớ không có trên thực địa. Về vấn đề này, Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng Việt Miền Nam, viết: “…người Đồng Nai vẫn không biết ‘tẩu’ hay ‘chằm’ là gì và ở đâu, dẫu thấy có ghi chép rành mạch trong sách…” [6]
Rõ ràng, địa danh Chằm Chim chỉ là một địa danh ảo.
Tên gọi Tràm Chim có nguồn gốc như thế nào?
Đất mới Nam bộ là vùng đồng bằng châu thổ của sông Đồng Nai, Cửu Long có điều kiện khí hậu thủy văn với hai mùa mưa nắng trong năm, mùa mưa cũng là mùa nước lên kéo dài ba tháng; đặc biệt trong sông rạch mỗi ngày có một lần nước lên (nước lớn) và một lần nước xuống (nước ròng). Chính điều kiện tự nhiên này đã góp phần tạo ra ở đây một số dạng địa hình khác lạ mà nơi khác không có. Nên khi lưu dân người Việt đến, họ phải mượn tiếng nói của cư dân bản địa, nhưng phát âm theo tiếng Việt để gọi các dạng địa hình sông nước khác lạ này, như:
- Piam (Khmer), péam (Mã Lai): thành vàm chỉ ba sông, nơi hai sông gặp nhau;
- Prek (Khmer): thành rạch chỉ các chi lưu, dòng chảy nhỏ hơn sông;
- Bâng (Khmer): thành bưng chỉ chỗ đất trũng giữa đồng, mùa nắng chỉ còn một ít nước đọng, nhưng mùa mưa thì ngập khá sâu, dày đặc lác, đưng, lau sậy....
- Trôp, Pangtrap (Khmer): thành trấp là chỗ trũng, ngập nước, nhỏ hơn bưng.
- Krom (Khmer), Kram (Mã Lai): thành Tràm chỉ chỗ trũng thấp rộng lớn, ngập nước quanh năm…
Về trường hợp krom, kram được người Việt Nam bộ phát âm thành tràm, trong Nghiên cứu Hà Tiên, Trương Minh Đạt cũng xác nhận “…người Khmer nói Krom, tiếng Mã Lai gọi là Kram, tiếng Nôm Việt Nam gọi là Hỏm hay Tràm có nghĩa là thấp, ngập” [7] . Điều nay hoàn toàn phù hợp với trước đây mọi người vẫn quen gọi vùng Nam bộ ngày nay là Thủy Chân Lạp hay Khmer Krom, Khmer Hạ để chỉ vùng đất thấp, ngập nước phía đông nam Kampuchia.
Hơn nữa trong Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình Nguyên Lộc cũng có trưng ra 175 biểu ngôn ngữ tỷ hiệu, để đối chiếu từng từ Việt với tiếng Mã Lai và với một vài ngôn ngữ khác. Biểu 123 đối chiếu từ chìm, có nghĩa bị ngập, bị dìm trong nước, như sau:
“Biểu số 123
Việt Nam : Chìm
Chàm : Tram
Cao Miên : Tram
Giarai : Ram
Ba Na : Kham
Mã Lai : Kram
Thái : Đàm
Chú ý: Tram của Chàm cũng có nghĩa là Ngâm (trong nước)” [8] .
Càng cho thấy rõ ràng Tràm vay mượn từ Kram của Mã Lai.
Mặc dù krom (Khmer), kram (Mã Lai), từ có nguồn gốc từ khỏm (tiếng Xiêm, Lào), tiếng Hán Việt gọi là khảm 坎. “Khỏm” là hình thức phiên âm bằng cách âm tiết hóa tổ hợp phụ âm đầu khm- (Reinhorn ghi km-) của từ “Khmer” còn “Khảm” là hình thức phiên âm Hán Việt của “Khỏm” [9] ; nhưng nếu, từ giải thích này mà cho rằng từ “Khảm” trong Mang Khảm (tên gọi xưa của Hà Tiên) không phải gì khác hơn là “Khmer” và là Mường Khỏm, phiên bằng âm Hán Việt là Mang Khảm để chỉ nước Khmer cổ xưa, tiền thân của nước Campuchia ngày nay và không dính dáng gì đến “krom” (tiếng Khmer), “kram” (tiếng Mã Lai), “hỏm” và “tràm” (tiếng Việt), và càng không nghĩa “ trủng thấp, ngập nước” [10] là hoàn toàn không thuyết phục, bởi hai lẽ cơ bản:
- Không thể dựa vào tên của một vùng đất nhỏ (Mang Khảm theo cách giải thích trên cùng lắm chỉ là một xóm, một vùng cư trú của người Khmer) để suy diễn tên của vùng đất đó là tên của một nước cùng tên. Cũng như không thể dựa vào tên xóm Lẽo, xứ Lẽo (ở Bạc Liêu) để suy ra Nam bộ thuộc nước Lèo (Lào)…
- Hầu hết các tự điển Hán Việt có từ khảm 坎, đều giải thích là chỗ hỏm, vùng trũng thấp, ngập nước…có nguồn gốc tiếng Khmer là Krom, tiếng Mã Lai là Kram. Trong khi đó, tiếng Xiêm, tiếng Lào gọi người Khmer là Khỏm, nên hai quyển Thai - English Students Dictionary của Mary M.Haas, và Dictionnaire laotien - franais của Marc Reinhorn, đều giải thích “Khỏm” có nghĩa là dân tộc Khmer, nước Khmer cổ là chuyện dĩ nhiên. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt, không liên quan gì với nhau, nên không thể lấy đó làm cơ sở để khẳng định “Khảm” ở đây chính là “Khmer” và phủ nhận Khảm không có dính dáng gì với krom (tiếng Khmer), kram (tiếng Mã Lai), hỏm và tràm (tiếng Việt Nam bộ).
Như vậy, tràm là do người Việt phát âm trại đi từ hoặc kram của Mã Lai hoặc krom của tiếng Khmer. Do sự trùng âm giữ Tràm là một dạng địa hình sông nước với tràm là cây tràm, nên có giải thích cho rằng Tràm Chim là khu tràm, rừng tràm có nhiều chim chóc trú ngụ. Từ ngộ nhận này dẫn đến hình thành cấu trúc vô nghĩa: loài cây + chim, như:
- Vườn xoài có chim ở, gọi là Xoài Chim,
- Rừng tre có cò về trú ngụ, gọi là Tre Cò,
- Láng sen có le le (vịt nước) sinh sống, gọi là Sen Le…
Chính cấu trúc vô nghĩa này giúp chúng ta càng thấy rõ hơn Tràm ở đây không phải chỉ cây tràm mà là một dạng địa hình sông nước tự nhiên như xẻo, xép, lung, láng, bàu, bưng, trấp…Đó là một nơi trũng thấp nước ngập thường xuyên và đương nhiên là có nhiều loài thảo mộc phù hợp với môi trường ngập nước sinh trưởng.
Trong danh ngữ Tràm Chim mà tràm là trung tâm còn chim là định ngữ. Như chúng ta biết, ngoài Tràm Chim ở vùng Đồng Tháp Mười có một số địa danh mang từ tố tràm, như: Tràm Dơi, Tràm Sình, Tràm Cù lao Dung, Bàu Tràm Láng, Tràm Thầy Ba Vỹ…trong đó, ta thấy phần định ngữ rất phong phú, đa dạng…không chỉ gồm động vật (chim, dơi…), mà còn là các dạng địa hình khác (sình, cù lao, láng…) và cả tên người (Thầy Ba Vỹ). Điều này càng khẳng định Tràm trong danh ngữ Tràm Chim là có chức năng trung tâm chánh thức là một danh từ chỉ loại địa hình sông nước, cùng loại với lung, bàu, láng, bưng… nên không thể nói Tràm thoán vị một danh từ nào khác.
Tóm lại, tên gọi Tràm Chim, trong đó Tràm một dạng địa hình sông nước đặc biệt ở Nam bộ, được phát âm theo tiếng Việt Nam bộ của từ Krom (tiếng Khmer), hoặc Kram (tiếng Mã Lai), chỉ nơi trũng thấp, nước ngập quanh năm với nhiều loài thực vật và động vật đặc biệt là chim chóc, là một từ vay mượn từ tiếng nói các dân tộc bản địa, như rạch (prek), vàm (piam hoặc péam)…không liên quan gì tới biểu thức: Chằm Chim → Trầm Chim → Tràm Chim.
Địa danh Tràm Chim cùng với địa danh cùng loại là một bằng chứng khẳng định khả năng sáng tạo ngôn ngữ của người Việt trên vùng đất mới, chẳng những làm giàu cho phương ngữ Nam bộ, mà còn làm cho ngôn ngữ dân tộc thêm phong phú da dạng.
Chú thích
[1] www.canhdongtruyengiao.net, Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng: Nhớ cha Bùi Hoàng
[2] An Chi: Báo Năng Lượng Mới số 66 (28 - 10 - 2011)
[3] Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo, Phủ QVKHĐTVH, Sg, tr.69
[4] Đại Nam thống nhất chi Lục tỉnh Nam Việt (1973), Bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo, Phủ QVKHĐTVH, Sg, tr.9
[5] Đại Nam thống nhất chi Lục tỉnh Nam Việt (1973), Sđd, tr.20
[6] Vương Hồng Sển (1993), Tự vị tiếng Việt Miền Nam, Nxb. Văn Hóa, H, tr.634
[7] Trương Minh Đạt (2008), Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ-Tạp chí Xưa&Nay, tr,29
[8] Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Nxb Bách Bộc, Sg, tr, 611
[9] An Chi petrotimes.vn/news/vn/hoc. ../cao mien-mang kham-campuchia.htm
[10] An Chi petrotimes.vn/news/vn/hoc. ../cao mien-mang kham-campuchia.htm
Tài liệu tham khảo
- www.canhdongtruyengiao.net, Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng: Nhớ cha Bùi Hoàng
- An Chi: Báo Năng Lượng Mới số 66 (28 - 10 - 2011).
- An Chi :petrotimes.vn/news/vn/hoc. ../cao mien-mang kham-campuchia.htm..
- Trịnh Hoài Đức (1972), Gia Định thành thông chí, Bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo, Phủ QVKHĐTVH, Sg.
- Đại Nam thống nhất chi Lục tỉnh Nam Việt (1973), Bản dịch Tu trai Nguyễn Tạo, Phủ QVKHĐTVH, Sg.
- Vương Hồng Sển (1993), Tự vị tiếng Việt Miền Nam, Nxb. Văn Hóa, H.
- Trương Minh Đạt (2008), Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ-Tạp chí Xưa&Nay.Tp.HCM.
- Bình Nguyên Lộc (1971) Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Nxb Bách Bộc, Sg.
Tác giả: NHH
Nguồn bài viết: Hội sử học Đồng Tháp