Ông Phạm Thái Bường sanh năm 1915, quê làng An Trường, quận Càng Long, tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình bần nông. Đời sống rất nghèo khổ thiếu ăn, thiếu mặc và từ nhỏ ông không được đi học. Dù vậy, ông rất ham học, thường lân la trước cửa trường học lóm từng chữ cho đến khi đọc và viết được chữ quốc ngữ. Có lẻ nhờ đó mà kỷ năng trí nhớ kỳ diệu của ông được nẩy nở và phát triển. 15 tuổi, ông phải đi làm mướn, làm phụ hồ để nuôi thân và phụ mẹ nuôi em.
Ông được các đồng chí hoạt động cách mạng ở địa phương gần gủi giáo dục giao việc. Đến tháng 6-1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năng lực hoạt động và tư duy của ông phát triển rất nhanh. Năm 1939, ông được cử làm Bí thư Tỉnh lâm thời tỉnh Trà Vinh. Tháng 6-1940, ông được điều động sang làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Bến Tre. Ông bị địch bắt tra tấn dã man, kêu án ông 10 năm tù khổ sai và đày ra Côn Đảo. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, ông được trở về đất liền và tháng 10-1946 ông làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Sau đó, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà (sát nhập hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) và là Ủy viên Thường vụ Khu ủy khu 8.
Năm 1954, kháng chiến chống Pháp thành công, ông được giữ lại hoạt động ở chiến trường miền Nam với cương vị Ủy viên Xứ ủy Nam bộ. Năm 1958, ông là Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Tây Nam bộ. Năm 1960, ông được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và năm 1961 là Ủy viên Trung ương cục miền Nam. Trong tình thế bị Mỹ Diệm khủng bố, kềm kẹp nặng nề, ông kiên cường bám dân, cùng các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Tây Nam bộ và toàn miền Nam. Năm 1963, ông là Bí thư Khu ủy khu 9. Năm 1965, ông về Trung ương cục nhận nhiệm vụ phụ trách quân sự của Trung ương cục. Sau đó, (1966 – 1967) ông được cử về làm Bí thư Khu ủy miền Tây Nam bộ. Năm 1967, ông được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời là Ủy viên thường trực Trung ương cục miền Nam. Do điều kiện chiến trường ác liệt, gian khổ, ông bị nhiều bịnh và được điều ra miền Bắc trị bịnh ở Hà Nội. Ông đã từ chối nhận lương hàng tháng của một Ủy viên Trung ương Đảng, ông cho rằng mình không cần tiền xài thêm việc gì. Ông không nhận lời mời đi thăm một nước xã hội chủ nghĩa anh em mà chỉ đề nghị được trị mau hết bịnh để sớm trở lại chiến trường miền Nam. Ông được đưa đến gặp Bác Hồ. Ông vô cùng xúc động và vui mừng được Bác ôm trong vòng tay, âu yếm hỏi thăm và giữ lại ăn cơm với Bác. Cùng dự có các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Tố Hữu.
Trước khi trở về miền Nam, ông được cử làm đại biểu Trung ương cục miền Nam dự hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp nhận nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ mới sau Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Về đến Trung ương cục, sau khi báo cáo lại với Ban Chấp hành Trung ương cục, ông được đều động trở lại miền Tây làm Bí thư Khu ủy khu Tây Nam bộ (T3). Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Khu Tây Nam bộ mở rộng, có các đồng chí trong Thường vụ Khu ủy: Vũ Đình Liệu, La Lâm Gia, Lê Đức Anh, Lâm Văn Thê, trần Văn Long, Phan Văn Kiết…, trong tay không có văn bản, đề cương, dàn bài, ghi chép, chỉ phổ biến miệng, ông hầu như thuộc lòng Nghị quyết và truyền đạt chỉ đạo của Trung ương cục. Mọi người thán phục trí nhớ tuyệt vời và tư chất thông minh của ông. Kết hợp nội dung Nghị quyết và chỉ đạo của trên vào thực tế tình hình miền Tây, ông đề ra những nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn mới.
Từ năm 1969, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Trung ương cục, kiêm Trưởng ban An ninh Miền. Trong lãnh vực nầy, tài năng của ông bộc lộ sắc bén, góp phần to lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác An ninh.
Trở về Trung ương cục, các đồng chí lãnh đạo có nhã ý đón vợ ông lên căn cứ sống gần ông, ông xúc động nhưng từ chối vì không muốn tổ chức lo thêm gánh nặng gia đình ông. Ông không dùng thuốc lá, rượu, cà phê và cả trà, chỉ uống nước sôi để nguội. Ăn uống, ông chỉ thích cá, rau. Mặc, ông chỉ có hai bộ pi-da-ma sử dụng từ lúc còn ở miền Tây, đã cũ. Văn phòng Trung ương cục định may cho ông vài bộ đồ mới nhưng ông không chấp nhận, vì “đồ cũ vẫn còn mặc được”. Rảnh rỗi, ông mở ra-đi-ô nghe tin tức thời sự và sở thích của ông là cải lương, mỗi đêm thường mở ra-đi-ô nghe vọng cổ, nhứt là giọng ca của Thanh Hùng, Ngọc Hoa.
Tháng 1-1974, ông từ trần sau cơn bạo bịnh, thọ 59 tuổi. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc trong lễ truy điệu ông ngày 6-2-1974 có đoạn: “Trong suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng từ thời kỳ bí mật đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, trọng trách do Đảng giao cho, đồng chí đã lặn lội với phong trào miền Tây trong những thời kỳ gian khổ, khó khăn nhứt, đã góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống địch, xây dựng cơ sở đưa tới phong trào Đồng Khởi và tiến lên giành những thắng lợi trong toàn miền Nam,… Với những kinh nghiệm công tác già giặn, đồng chí đã lãnh đạo công tác An ninh ở miền Nam đạt nhiều thành tích. Trong suốt mười tám năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã góp phần quan trọng trong sự lãnh đạo chung của Trung ương cục miền Nam để đem lại những thắng lợi to lớn ở miền Nam…”
Hiện nay, nhà lưu niệm ông Nguyễn Thái Bường được đặt trong khuôn viên khu di tích căn cứ địa Trung ương cục miền Nam và di tích căn cứ Ban An ninh Trung ương cục tại Tân Biên, Tây Ninh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Vĩnh Long có con đường mang tên Phạm Thái Bường. Tại Trà Vinh quê hương ông, con đường rộng, đẹp nhứt tỉnh và trường Trung học phổ thông cùng mang tên ông.
Tác giả: TTP
Nguồn bài viết: Hội sử học Đồng Tháp