Đờn Ca Tài Từ hình thành từ Nhạc Lễ Nam Bộ (NLNB)…Sau đây, xin giới thiệu Nhạc Lễ Nam Bộ để các bạn ngành hướng dẫn viên du lịch làm tư liệu để thuyết minh. Trong đời sống xã hội, tín ngưỡng xưa, người Nam Bộ thực hành bốn hình thức lễ chính: quan, hôn, tang, tế. Họ cho rằng, lễ - nhạc đi đôi với nhau, nhạc là hồn của lễ và lễ là cốt của nhạc. Thể nhạc sử dụng trong những nghi lễ này thường được gọi chung là Nhạc lễ Nam Bộ, không chỉ là tình cảm của những người đang sống tỏ lòng đối đãi với nhau mà còn là tình cảm của người đang sống đối với người đã khuất. Nó cùng với những tiết chế nghi lễ khác nhau của đời sống xã hội và tín ngưỡng trở thành nền tảng cho gia phong, tập tục và phong hóa của người dân vùng đất Nam Bộ.
Vùng đất Nam Bộ là nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa, lại luôn tiếp xúc với cái mới nên hầu như không một dạng thức văn hóa, một hình thức nghệ thuật, một nhu cầu thị hiếu văn hóa nào tồn tại nguyên dạng trong một thời gian nhất định, kể cả Nhạc Lễ Nam Bộ (NLNB). Như các hình thức âm nhạc dân gian khác, NLNB chưa bao giờ được hệ thống, thống nhất một cách cứng nhắc về bài bản, cách trình tấu... Nhưng, những người am hiểu nhạc vẫn có ý thức, hiểu biết và gần như quy định rõ ràng về nhạc mục, cấu trúc bài bản, các ứng dụng trong những nghi thức lễ, phong cách trình tấu, dàn nhạc… trong NLNB. Với những thay đổi của thời đại, cuộc sống, con người… NLNB đã có những thay đổi khác xưa, có xu hướng biến dạng đến mức khó nhận ra, và có thể sẽ chỉ còn là một hoài niệm…
Từ lâu, trong đời sống âm nhạc người Việt ở Nam Bộ chỉ còn thấy Nhạc lễ được thực hành trong hai nghi thức là lễ tang và lễ tế. Do cơ cấu xã hội hiện đại, các nghi thức trong lễ quan không còn nữa. Nhạc trong các nghi thức hôn nhân ngày nay thường được sử dụng là nhạc Tài tử. Vì vậy, nghe tiếng trống, tiếng kèn, người ta lập tức gọi đó là nhạc “đám ma” (!) chứ không hề biết rằng một số những bài bản ấy có xuất thân từ nhạc cúng tế trời đất trong các cuộc tế lễ của triều Nguyễn; một vài làn điệu có nguồn cội từ âm nhạc của người Việt cổ xưa đã theo chân những người đi khai phá trở thành nền tảng cho âm nhạc Nam Bộ .
Xưa kia, nhạc mục cũng như dàn nhạc sử dụng trong hai nghi lễ tang và tế có những quy định, cách thức nghiêm ngặt. NLNB được chia là hai phe: văn và võ. Phe văn còn gọi là bộ văn gồm những bài bản được diễn tấu bằng các nhạc cụ dây kéo (như đàn cò chỉ, còn dương, cò lòn, gáo). Giai đoạn sau này, những nhạc cụ trong phe văn có thay đổi, thường gồm các nhạc cụ kìm (nguyệt), bầu, tranh, guitare phím lõm, sến… Phe võ chủ yếu là những nhạc cụ gõ như đôi trống nhạc, trống cơm, trống bồng, mõ, phệch, đầu đường, tum, lố… (5 nhạc cụ sau thường gọi chung là đồ ngang). Ngoài ra, còn có một nhạc cụ không thể thiếu trong các ban nhạc lễ đó là cây kèn. Nhạc cụ này có tầm quan trọng chỉ xếp sau đôi trống nhạc (còn gọi là đôi trống lễ). Đôi trống lễ và kèn thuộc phe võ nhưng gần như xuất hiện thường xuyên trong tất cả các tiết mục âm nhạc của nghi thức lễ.
Dàn nhạc của NLNB đôi khi lên đến mười chín nhạc cụ. Nhưng nhạc sinh trong dàn nhạc chỉ khoảng 5 hoặc 6 người. Bởi mỗi người có thể sử dụng vài nhạc cụ và trong khi diễn tấu, có thể chơi hai, ba nhạc cụ cùng một lúc (ví vụ nhạc sinh đánh đồ ngang). Về nội dung, nhạc giới thường quy định gồm 2 loại: dương nhạc - nhạc dành cho lễ tế, và âm nhạc - nhạc dành cho lễ tang. Đây là cách phân chia theo trường hợp sử dụng. Điểm đáng chú ý là trong quá trình hình thành và phát triển âm nhạc ở Nam Bộ, một số bài bản trong nhạc mục của nhạc lễ cũng đồng thời thuộc nhạc mục của nhạc Tài tử, nhạc cho sân khấu Cải lương, sân khấu hát Bội… Tuy nhiên, về nhịp độ, phong cách diễn tấu, những nét luyến láy… đều có những điểm khác nhau.
Hiện nay, nhìn chung số bài bản NLNB được diễn tấu chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, so với những bài bản lưu hành trong nhạc giới NLNB vào giai đoạn trước - sau năm 1975, thì đây là một điều đáng lo ngại. Trong lễ tang, những bài nhạc của phe võ chỉ còn sót lại vài tiết tấu rời rạc mở đầu cho những điệu Nam ai, Xuân nữ... còn những Lớp xổ, Lớp Bồng chập, Trống thét, Trống xây, Tấn phạn, Tư rơi… đã là những của “quý hiếm”, chỉ tồn tại trong vài nhóm nhạc lễ như Gò Vấp (TP. Hồ Chí Minh), Chợ Lách (Bến Tre), huyện Cần Đước (Long An)… Đó là chưa kể những băng cassette, những CD nhạc lễ do Sở Văn hóa Thông tin một số tỉnh phát hành chủ yếu gồm các bài: Bài hạ (Ngũ đối hạ), Xuân nữ... với phong cách trình tấu thực chất rất gần với nhạc Cải lương ! Trong các băng nhạc lễ chính thức ấy, các “lớp” nhạc võ chỉ toàn là một số môtip, đoạn tiết tấu mang tính chắp vá, không rõ thể điệu, lớp lang nào, những trình tự kết hợp giữa nhạc và các nghi thức trong lễ thì hầu như còn ít người nắm vững cũng như thực hiện đúng.
Nhạc trong lễ tế ở các đình cũng muôn màu, muôn vẻ. Một số đình có quy mô lớn, Ban quý tế mạnh, có nhiều Mạnh Thường Quân hỗ trợ như Lăng Lê Văn Duyệt (Tp. Hồ Chí Minh), đình Phú Nhuận (Tp.HCM), đình Bình Thủy (Cần Thơ), đình Tân Thành (Cà Mau)... trong những dịp lễ Kỳ yên, người ta cố gắng rước những nhóm nhạc còn giữ được nhiều vốn cổ, tấu được những bài bản đúng nghi thức cũ. Nhưng phần lớn bài bản trong nhạc cúng ở các đình so với xưa đã có nhiều thay đổi. Bài bản của phe võ được trình tấu nhiều nhất trong nhạc lễ tế cũng như được gìn giữ trong các nhóm nhạc lễ là bài Nghinh thiên tiếp giá (Ba hồi chín chập). Tuy vậy, những lớp nhạc của bài này cũng như nhiều bài bản khác trong phe võ vẫn còn đôi điều phải bàn. Việc mai một những roi trống ngẫu hứng tuyệt vời của những “giạ” nhạc ở Nam Bộ là điều đương nhiên. Hiện nay, số nghệ nhân có khả năng diễn tấu được hoàn chỉnh vốn bài bản của NLNB chỉ còn đếm trên đầu ngón tay chứ chưa kể đến việc gìn giữ những roi trống, tiếng đàn tuyệt diệu của lễ nhạc. Mặc dù nhạc lễ là thể nhạc dân gian, việc biến hóa, thêm thắt, ngẫu hứng là điều tất nhiên, nhưng những nét chính, khung sườn của bài bản cũng như hơi giọng… cần phải giữ lại. Đến nay, các điệu trống khi diễn tấu hầu như không còn theo một quy định gì, người diễn tấu thường là bớt, đơn giản hóa bài bản, thậm chí bỏ hẳn nhiều nhạc cụ khác nhau trong khi hòa đàn. Còn lại là sự pha trộn giữa những bài bản nhạc lễ với một số làn điệu dân ca như các bài Lý chuồn chuồn, Lý trăng soi, Lý qua cầu, Lý Mỹ hưng… Trong Liên hoan Nhạc lễ và đờn ca Tài tử tại Bình Dương năm 2002, các nhóm nhạc đã pha trộn giữa nhạc Tài tử, nhạc Cải lương và những bài nhạc Lễ.
Trong Liên hoan âm nhạc Châu Á tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh năm 1981, Đội nhạc lễ Gò Vấp của gia đình nghệ nhân Tám Nhứt (ảnh) đã giới thiệu NLNB là một vốn âm nhạc dân tộc cổ truyền trước bè bạn quốc tế. Họ đại diện cho các “giạ” NLNB trình tấu, được ngưỡng mộ và nhận huy chương bạc của liên hoan. Những nghệ nhân ngày ấy bây giờ đã rất già, họ sắp mang một vốn quý âm nhạc dân tộc ra đi mà không có người thừa kế.
Có thể nói, NLNB đã tồn tại trong lòng người dân Nam Bộ từ những ngày mở đất, với sự tiếp thu âm nhạc cung đình triều Nguyễn, những yếu tố dân gian được bổ sung thêm yếu tố chuyên nghiệp và hoàn chỉnh như một thể nhạc đặc biệt dành cho lễ bái. Trong quá trình phát triển, NLNB có một nhạc mục, phong cách riêng, dàn nhạc với biên chế rõ ràng và nhất là đã tập hợp được một đội ngũ nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sinh giỏi nghề có tính chuyên nghiệp. Chính NLNB đã góp phần cùng các điệu dân ca Nam Bộ để hình thành Đờn Ca tài Từ Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đến nay, thì nhạc mục nghèo nàn, thậm chí bị pha trộn từ bài bản đến phong cách trình tấu nhiều khi không còn nhận ra diện mạo của NLNB.
Theo tư liệu Hồ Văn Tường.